Diễn biến vụ án

LTS:   Lúc 11 giờ ngày 29/4/2003, tại trụ sở Công ty cổ phần thương mại sản xuất xây dựng Hưng Thịnh ở khu công nghiệp Đồng An (tỉnh Bình Dương), Cơ quan Cảnh sát Điều tra (Bộ Công an) và Công an Tiền Giang đã thực hiện lệnh bắt khẩn cấp ông Bùi Mạnh Lân và ông Phạm Văn Hướng là Giám đốc và Phó Giám đốc Công ty Hưng Thịnh vì cho rằng có liên quan đến vụ án Năm Cam và đồng bọn.

Sau nhiều tháng bị bắt giam oan, đến tháng 8/2003, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã kết luận không có cơ sở xác định những doanh nhân bị bắt là ông Bùi Mạnh Lân và ông Phạm Văn Hướng là “đệ tử” của Năm Cam và đã ra quyết định trả tự do cho ông Lân, ông Hướng. Đồng thời, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao cũng đã ra quyết định khởi tố và điều tra các đối tượng (cán bộ công an tỉnh Tiền Giang) về hành vi “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” dẫn đến việc bắt giam oan đối với ông Bùi Mạnh Lân và ông Phạm Văn Hướng.

Sự việc trên đã xảy ra hơn 12 năm, những người bị bắt giam oan cũng đã được giải oan và phục hồi uy tín, danh dự. Đặc biệt, những đối tượng làm sai, bắt giam oan đối với ông Bùi Mạnh Lân và ông Phạm Văn Hướng cũng đã bị khởi tố, xét xử và chịu sự trừng trị của pháp luật. Tuy nhiên, những cá nhân bị bắt oan như ông Bùi Mạnh Lân vẫn chưa thật sự “thoát” ra khỏi những hậu quả, khi mà đây đó trên các mạng vẫn còn tồn tại các bài viết sai lệch về vụ án này.

Trên website này, dưới tư cách là người trong cuộc, chúng tôi sẽ cung cấp một bức tranh tương đối toàn diện về diễn biến vụ án. Tuy nhiên, để đảm bảo tính khách quan, chúng tôi chỉ sử dụng các bài viết đã được báo chí đăng tải kể từ lúc ông Bùi Mạnh Lân và ông Phạm Văn Hướng bị bắt giam oan, rồi được minh oan và trả tự do; đến quá trình khởi tố, điều tra và xét xử các đối tượng là cán bộ công an tỉnh Tiền Giang đã gây ra việc bắt giam oan nêu trên.  

Nội dung gồm có 3 phần:

1. Ông Bùi Mạnh Lân bị bắt giam oan, rồi được minh oan

Năm 2002, Nguyễn Văn Nên, nguyên Phó Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Tiền Giang và Nguyễn Tuyến Dũng (điều tra viên) trực tiếp tham gia chuyên án Z.501 điều tra băng nhóm tội phạm do Trương Văn Cam (tức Năm Cam) cầm đầu. Sau khi chuyên án kết thúc, Nên và Dũng được lệnh tiếp tục điều tra một số vụ án có dấu hiệu liên quan đến các băng nhóm tội phạm có tổ chức. Ngày 3/4/2003, vụ án “gây rối trật tự công cộng” xảy ra tại Công ty Gas Bình Dương (trụ sở tại Khu Công nghiệp Đồng An, tỉnh Bình Dương do Công ty Cổ phần Hưng Thịnh làm chủ đầu tư) được khởi tố. Nên và Dũng trục tiếp tham gia vụ án.

Ngày 29/4/2003, Nên ký lệnh bắt khẩn cấp ông Bùi Mạnh Lân, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc và ông Phạm Văn Hướng, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Hưng Thịnh về hành vi gây rối trật tự công cộng. Theo kết quả điều tra thời bấy giờ, vụ án “gây rối trật tự công cộng” xảy ra tại Khu Công nghiệp Đồng An từ năm 2000. Trong quá trình điều tra chuyên án, Nên và Dũng đã cấu kết để “hình sự hóa một vụ tranh chấp dân sự” giữa ông bà Huỳnh Thị Thu, Nguyễn Văn Cư với Công ty Cổ phần Hưng Thịnh. Vụ án trên đang được Tòa án Nhân dân huyện Dĩ An thụ lý giải quyết, không liên quan đến vụ án “gây rối trật tự công cộng”, nhưng Nên và Dũng vẫn thụ lý điều tra vụ việc trên.

Khi ông Bùi Mạnh Lân bị bắt giam, Nên và Dũng đã dùng những “ngón đòn” để ép buộc bị can phải… tự nhận tội. Chưa dừng lại đó, Nên và Dũng còn “dụ dỗ” ông Lân phải bán nhà tại TPHCM để khắc phục hậu quả. Khi đó, ông Bùi Mạnh Lân bị ông Liên Khui Thìn - đang thụ lý án tù trong trại giam liên quan đến vụ án Epco – Minh Phụng - tố cáo hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt khoảng 60 tỷ đồng của công ty Epco.

Hành vi của Nên và Dũng bị bại lộ khi Cơ quan điều tra Bộ Công an đã xác định ông Liên Khui Thìn nhầm lẫn và không có chuyện ông Bùi Mạnh Lân chiếm đoạt tiền. Liên quan đến vụ án “gây rối trật tự công cộng”, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao xác định thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự vụ án đã hết nên cơ quan điều tra không xem xét đến.

Do đó, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao kết luận: Nguyễn Văn Nên đã ký lệnh bắt khẩn cấp trái thẩm quyền và giam giữ “lố” ngày đối với ông Bùi Mạnh Lân, Phạm Văn Hướng, Đỗ Cao Bằng, cùng một số người khác.

Sau nhiều tháng bị bắt giam oan, đến tháng 8/2003, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã kết luận không có cơ sở xác định những doanh nhân bị bắt là ông Bùi Mạnh Lân và ông Phạm Văn Hướng là “đệ tử” của Năm Cam và đã ra quyết định trả tự do cho ông Lân, ông Hướng.

2. Khởi tố, điều tra các cán bộ công an bắt giam oan ông Bùi Mạnh Lân

Từ năm 2005, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao nhận được nhiều đơn của ông Bùi Mạnh Lân – Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc, ông Phạm Văn Hướng – Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Hưng Thịnh, trụ sở tại Khu Công nghiệp Đồng An, tỉnh Bình Dương, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động điều tra các vụ án hình sự của một số cán bộ Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an tỉnh Tiền Giang. Các cơ quan Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, Bộ Công an… cũng chuyển đơn tố cáo của ông Bùi Mạnh Lân và ông Phạm Văn Hướng yêu cầu Cơ quan điều tra – Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao xác minh làm rõ nội dung tố cáo của công dân.

Sau khi điều tra theo đơn tố cáo của ông Bùi Mạnh Lân, ngày 7/6/2011, Cục điều tra hình sự Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã tống đạt các quyết định khởi tố bị can đối với 3 sĩ quan Công an tỉnh Tiền Giang gồm các ông: Ngô Thanh Phong (nguyên trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Công an tỉnh Tiền Giang), Nguyễn Văn Nên (nguyên trưởng Công an huyện Châu Thành) và Phan Văn Út (nguyên đội trưởng đội tham mưu tổng hợp Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Tiền Giang).

Bộ Công an và Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao xác định, 3 sĩ quan trên đã có một số sai phạm nghiêm trọng trong hoạt động tố tụng dẫn đến việc bắt, giam giữ người trái pháp luật xảy ra ở Bình Dương. Theo xác minh của Cơ quan điều tra, ngoài việc bắt, giam ông Bùi Mạnh Lân và một số người khác trái pháp luật; ông Nên còn ký lệnh bắt khẩn cấp ông Lân, ông Hướng về hành vi “gây rối trật tự công cộng” xảy ra trước đó 3 năm tại Bình Dương, trong khi các ông này không cư trú, làm việc tại Tiền Giang. Đây là việc làm không có căn cứ pháp luật và không đúng thẩm quyền về lãnh thổ. Ngoài ra, kết quả xác minh cho thấy việc bắt khẩn cấp ông Lân, ông Hướng là không đúng vì không thuộc một trong ba trường hợp bắt người trong trường hợp khẩn cấp, không có dấu hiệu phạm tội hình sự.

3. Xét xử và hình phạt tù đối với các cán bộ công an bắt giam oan ông Bùi Mạnh Lân

Ngày 24/6/2013, TAND tỉnh Tiền Giang đã đưa vụ án bắt, giam giữ người trái pháp luật ra xét xử. Hội đồng Xét xử kết luận hành vi phạm tội của Ngô Thanh Phong, Nguyễn Văn Nên và Phạm Văn Út đã vi phạm điều 281 Bộ Luật Hình sự về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Theo đó, Hội đồng Xét xử tuyên bị cáo Ngô Thanh Phong (nguyên Trưởng phòng CSĐT Công an Tiền Giang) 3 năm tù giam; Phạm Văn Út (nguyên Thủ quỹ, thủ kho tang vật Công an Tiền Giang) 1 năm tù giam, cùng về hành vi trên. Riêng bị cáo Nguyễn Văn Nên (nguyên Trưởng phòng CSĐT Công an Tiền Giang, một người từng được coi là “người hùng” trong chuyên án Năm Cam và đồng phạm) có chứng nhận mắc bệnh tâm thần phân liệt thể hoang tưởng nên được tạm đình chỉ xét xử. Toà quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh đối với ông Nên, khi nào khỏi bệnh sẽ xét xử sau.

Tìm kiếm



Sự thành công của các Nhà đầu tư chính là sự thành công của chúng tôi, vì vậy chúng tôi không ngừng cập nhật, cải tiến mọi dịch vụ nhằm đáp ứng được tất cả các yêu cầu của các Nhà đầu tư.
Doanh nhân Bùi Mạnh Lân

Phim giới thiệu



Mạng xã hội
facebook twitter gplus youtube

Doanh nhân Bùi Mạnh Lân
© 2016 Bảo lưu nội dung.

Online: 1