Vén mây cuối trời...
23/05/2016 17:12

Ngày 7.6.2011, Cục điều tra Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đã quyết định khởi tố bị can và tiến hành khám xét đối với 3 người nguyên là sĩ quan công an thuộc Công an tỉnh Tiền Giang, trong đó có người là điều tra viên tham gia trong chuyên án Năm Cam, đối với hành vi “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Đó thật sự là một quyết định tố tụng có thể khởi nguồn cho một quá trình làm sáng tỏ những băn khoăn, nghi ngại lâu nay về sự bất thường trong vai trò tham gia của một số cán bộ điều tra Công an tỉnh Tiền Giang trong chuyên án Năm Cam nổi danh năm nào…

Là một luật sư tham gia tố tụng bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các ông Bùi Mạnh Lân, Đỗ Cao Bằng và Phạm Văn Hướng - những người bị bắt khẩn cấp theo lệnh của Cơ quan điều tra Công an tỉnh Tiền Giang ngay từ giai đoạn điều tra, tôi không thể quên được những tháng ngày vất vả với hành trình tố tụng ngược xuôi kéo dài. Có thể sự mất tự do về thân thể của họ không đau đớn bằng việc Công ty cổ phần Hưng Thịnh - chủ đầu tư của các khu công nghiệp nổi tiếng trên địa bàn tỉnh Bình Dương bị mất đi những cơ hội kinh doanh và đóng góp cho sự phát triển của kinh tế - xã hội địa phương, danh dự, uy tín của những người chủ doanh nghiệp đang làm ăn chân chính bị chà đạp, xúc phạm và hoen ố.

Vào thời điểm đó, có tới 81 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư trên 200 triệu USD và trên 1.500 tỉ đồng Việt Nam, với hơn 15.000 công nhân đang hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định trong Khu công nghiệp Đồng An đã hết sức bàng hoàng và lo lắng khi nghe tai ương từ trên trời rơi xuống này.

Tình cảnh còn đau xót hơn khi người vợ của chủ doanh nghiệp trong một ngày mưa gió tháng 7 năm 2003, buộc phải làm đơn xin gặp mặt chồng để có thể ủy quyền bán tài sản là căn nhà chung thuộc sở hữu của hai vợ chồng nhằm duy trì hoạt động của doanh nghiệp, giải quyết những khó khăn về mặt tài chính của gia đình và nhằm “khắc phục hậu quả vụ án”… Họ cũng đâu biết được sự thật câu chuyện “tranh thủ” giải quyết vụ án dân sự như thông tin trên báo chí, người chủ doanh nghiệp được trích xuất ra khỏi trại tạm giam vào ngày 15.8.2003, buộc phải “thỏa thuận” nhận lại tiền và trả số đỏ cho người đã làm đơn tố cáo liên quan vụ chuyển nhượng đất tại Bình Dương.

Vụ tranh chấp này sau đó được tòa án tuyên bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, nhưng khoản tiền 5,2 tỉ đồng của người tố cáo chuyển giao cho cơ quan điều tra đã không được nộp vào kho bạc, cũng không được trả lại cho gia đình ông chủ doanh nghiệp là khách hàng của tôi, hơn một năm sau mới được chuyển vào tài khoản tạm gửi của cơ quan điều tra. Hơn 6 năm sau, do yêu cầu khởi kiện bị bác, người làm đơn tố cáo mới nhận lại được khoản tiền này…

Có biết bao nhiêu điều mà các khách hàng của tôi có thể sẽ không thể nói ra được khi nhớ về những tháng ngày bị giam giữ trong trại tạm giam. Tuy nhiên, có thể thấy rõ việc điều tra vụ án này được xác định là không có căn cứ pháp luật và vượt quá thẩm quyền điều tra về mặt lãnh thổ, được thực thi bởi một số cá nhân thuộc Cơ quan điều tra Công an tỉnh Tiền Giang. Kết quả thẩm tra của Cục điều tra Viện Kiểm sát Nhân tối cao được đăng tải trên báo chí cho thấy, có quá nhiều vi phạm trong việc ra lệnh bắt khẩn cấp các cá nhân nêu trên và chậm trễ trong việc thực thi các quyết định hủy bỏ biện pháp ngăn chặn và trả tự do đối với họ.

Đến giờ này, tôi vẫn không hiểu được câu chuyện tranh chấp về vốn góp của các thành viên trong một công ty xảy ra trên địa bàn tỉnh Bình Dương, làm cách nào mà Cơ quan điều tra Công an tỉnh Tiền Giang có thể được chấp thuận vượt quá thẩm quyền như vậy, để đưa những người chủ của Công ty cổ phần Hưng Thịnh về giam giữ tại trại tạm giam Công an tỉnh Tiền Giang?

Đến khi kết thúc điều tra, được phép nghiên cứu, tham khảo hồ sơ, chúng tôi đã kiến nghị xem xét lại toàn bộ bản chất vụ án vì không có hành vi phạm tội xảy ra, việc bắt khẩn cấp là không phù hợp với các trường hợp được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự, đồng thời xem xét lại việc chuyển thẩm quyền thực hành quyền công tố về huyện Thuận An tỉnh Bình Dương là không có căn cứ… Từ đó vào ngày 16.8.2004, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đã ban hành Quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ điều tra bị can đối với các khách hàng của tôi.

Bảy năm đã trôi qua kể từ ngày vụ án được đình chỉ, nhưng những hệ lụy của những người bị đặt trong vòng tố tụng một cách oan ức, cùng với doanh nghiệp và gia đình của họ thật không thể lường hết được. Đến tận bây giờ, những người trong cuộc, cả ở phía bên này và phía bên kia của sự đối lập về quyền lợi, vẫn thi thoảng gặp nhau trên mỗi chặng đường đi. Họ tránh không muốn nhắc đến những ngày đau đớn, mặc dù vẫn biết khó có thể trở lại bình thường như ngày xưa nữa. Tôi vẫn hiểu, có cái gì mất đi mà có thể lấy lại được nguyên vẹn đâu, huống chi đó lại là thời gian và lòng người?

Lòng thù hận rồi cũng sẽ nguôi ngoai, nhưng đôi khi lòng ham muốn vô vọng nắm giữ đời sống lại bắt đầu từ cái nhìn sai lầm. Dù ai đó có không tin vào kiếp luân hồi, nhưng quả thật những gì diễn ra cho đến ngày hôm nay cho thấy sự vật biến thiên vô chừng, luật nhân - quả như hiện hữu đâu đây. Và câu thơ của Nguyễn Du vận vào trường hợp này cũng thật hợp lẽ: “Trời còn để có hôm nay / Tan sương đầu ngõ, vén mây cuối trời…”.

Theo Luật sư Phan Trung Hoài (Báo Lao Đông)

Tìm kiếm



Sự thành công của các Nhà đầu tư chính là sự thành công của chúng tôi, vì vậy chúng tôi không ngừng cập nhật, cải tiến mọi dịch vụ nhằm đáp ứng được tất cả các yêu cầu của các Nhà đầu tư.
Doanh nhân Bùi Mạnh Lân

Phim giới thiệu



Mạng xã hội
facebook twitter gplus youtube

Doanh nhân Bùi Mạnh Lân
© 2016 Bảo lưu nội dung.

Online: 1