Ban Quản lý các Khu công nghiệp Bình Dương: 20 năm hình thành và phát triển
06/06/2016 07:48

Ngày 12-11, Ban Quản lý các Khu công nghiệp (Ban quản lý) Bình Dương tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập (15/11/1995 - 15/11/2015) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất. Trải qua 20 năm hình thành và phát triển, Ban quản lý đã hoàn thành nhiệm vụ được giao, luôn luôn đồng hành cùng doanh nghiệp - góp phần đưa các khu công nghiệp (KCN) phát triển bền vững.

Nghe doanh nghiệp nói, nói doanh nghiệp tin, làm doanh nghiệp hiểu

Sau khi Hội nghị Trung ương 4 (Khoá VII) có Nghị quyết về công nghiệp hoá, hiện đại hoá, Chính phủ ban hành Nghị định số 192/CP ngày 28/12/1994 về Quy chế KCN - đặt nền móng đầu tiên cho sự phát triển các KCN. Tỉnh Sông Bé đã nhanh chóng quy hoạch và hình thành các khu, cụm công nghiệp tập trung để thu hút các nhà đầu tư. Sự hình thành và phát triển các KCN của tỉnh Sông Bé bắt đầu vào cuối năm 1995, khởi đầu là KCN Sóng Thần. Xuất phát từ yêu cầu quản lý nhà nước đối với KCN và điều kiện thực tế của tỉnh Sông Bé, ngày 15-11-1995, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 751/TTg thành lập Ban Quản lý KCN Sông Bé để thực hiện chức năng quản lý trực tiếp các KCN trên địa bàn tỉnh, với chức năng nhiệm vụ và quyền hạn theo Điều 20 Quy chế KCN.

Từ ngày 01-01-1997, Sông Bé được tách ra làm hai tỉnh Bình Dương và Bình Phước, Ban Quản lý đổi tên thành Ban Quản lý các KCN Bình Dương thực hiện chức năng quản lý trực tiếp các KCN trên địa bàn tỉnh (trừ KCN Việt Nam-Singapore) và một số chức năng theo ủy quyền như: cấp giấy phép đầu tư, giấy phép lao động nước ngoài, chế độ kế toán .... quy định tại Điều 27, Quy chế KCN ban hành kèm theo Nghị định số 36/CP ngày 24/4/1997 của Chính phủ. Ban Quản lý là cơ quan dự toán cấp I thuộc Trung ương. Từ năm 2001 đến nay, theo Quyết định số 100/TTg ngày 17/8/2000 của Thủ tướng Chính phủ, Ban Quản lý là cơ quan trực thuộc UBND tỉnh.

  Một góc KCN Đại Đăng, Thành phố Thủ Dầu Một

Trong 20 năm qua, mặc dù phát triển trong bối cảnh quốc tế và trong nước có những thuận lợi và thách thức đan xen, nhưng các KCN của tỉnh vẫn vượt qua khó khăn, tiếp tục xây dựng, ổn định và ngày càng phát triển. Để đạt được kết quả trên, các KCN thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó có sự đồng hành với doanh nghiệp, xem thất bại của doanh nghiệp là sự thất bại của chính mình. Ban Quản lý quán triệt và thực hiện tốt chủ trương “Trải chiếu hoa mời gọi các nhà đầu tư”; luôn tôn trọng, cầu thị lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) nhanh, kịp thời, đúng quy định của pháp luật với phương châm “Nghe doanh nghiệp nói, nói doanh nghiệp tin, làm doanh nghiệp hiểu”. Cụ thể, từ năm 2004, Ban Quản lý đã chính thức triển khai áp dụng cơ chế một cửa tại chỗ trong việc giải quyết TTHC, đồng thời áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến ISO 9001:2008. Đến năm 2011, được nâng lên một cửa điện tử và đăng ký TTHC qua mạng. Việc thực hiện cải cách TTHC theo cơ chế “một cửa điện tử”, ứng dụng công nghệ thông tin và hệ thống quản lý chất lượng vào quản lý đã góp phần giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, tạo dựng lòng tin nơi doanh nghiệp. 

Hội nhập và phát triển

Song song với sự hình thành của Ban Quản lý các KCN Bình Dương, thực hiện đường lối đổi mới, mở cửa theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (năm 1986), Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII (năm 1991) và vận dụng các cơ chế mới sau khi có Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 1987, tỉnh Sông Bé đã tiến hành quy hoạch 15 KCN với tổng diện tích trên 6.000 ha. Sau khi tách tỉnh vào tháng 01/1997, Bình Dương còn 13 KCN với tổng diện tích 4.033 ha và đi vào xây dựng KCN, mà hạt nhân đầu tiên là KCN Sóng Thần 1 với diện tích 180,33 ha thành lập vào tháng 9 năm 1995. Tính đến tháng 6/2015, trên địa bàn toàn tỉnh có 28 KCN đã thành lập với tổng diện tích trên 9.500 ha, chiếm 9,5% về số lượng và 11,3% về diện tích KCN cả nước; có 26 KCN đã đi vào hoạt động (chiếm 12,3% so với cả nước), tổng vốn đầu tư kết cấu hạ tầng của các KCN vào khoảng 9.316 tỷ đồng, đạt 72% tổng vốn được phê duyệt. Riêng Ban Quản lý các KCN Bình Dương được giao quản lý 25 KCN có tổng diện tích quy hoạch là 7.539,59 ha, trong đó có 23 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích 6.984,69 ha, còn lại 02 KCN đang trong giai đoạn đền bù giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ bản. Các KCN đã hoàn thành việc xây dựng, kết cấu hạ tầng trong và ngoài KCN được đầu tư đồng bộ và hiện đại, góp phần thay đổi diện mạo của tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đẩy mạnh thu hút đầu tư vào KCN. Tổng diện tích đất công nghiệp của 23 KCN đang hoạt động đã cho thuê đạt 2.572 ha, tỷ lệ lấp đầy 50,5%, cao hơn bình quân chung của cả nước (tỷ lệ 48%).

Dây chuyền sản xuất của nhà máy Pro Active Global Việt Nam tại KCN Đại Đăng 

Đối với Bình Dương, việc thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào tỉnh để phát triển kinh tế, đặc biệt là vào các KCN tập trung trong thời gian qua đã đạt được nhiều thành quả quan trọng, góp phần đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đưa Bình Dương trở thành tỉnh công nghiệp. Tính đến nay, các KCN Bình Dương có 1.479 dự án còn hiệu lực, bao gồm 1.050 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký 7,676 tỷUSD và 429 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký 32.740 tỷ đồng. Ngành nghề thu hút vào KCN hầu hết là sản xuất công nghiệp và dịch vụ cho sản xuất công nghiệp.

Sự hình thành và phát triển các KCN đã có những đóng góp đáng kể vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp qua từng năm không ngừng tăng. Bình quân, hàng năm có từ 60-70 doanh nghiệp mới đi vào hoạt động. Tính đến nay, đã có 1.110 dự án đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, đạt tỷ lệ 75% số dự án còn hiệu lực, trong đó có 723 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chiếm 65%, 387 doanh nghiệp đầu tư trong nước chiếm 35%. Các KCN ra đời đã tạo nên những vùng công nghiệp tập trung, tác động rất tích cực tới việc phát triển các cơ sở nguyên liệu, thúc đẩy phát triển các loại hình dịch vụ phục vụ công nghiệp, nâng cao giá trị nông sản hàng hóa, nâng cao hiệu quả tổng hợp của các ngành sản xuất.

Trong 20 năm qua, từ khi thành lập đến nay, các doanh nghiệp KCN tạo nên doanh thu đạt khoảng 54,3 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu 25,5 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu 30,3 tỷ USD, nộp ngân sách Nhà nước 1,36 tỷ USD. Hàng năm, các doanh nghiệp trong các KCN đã giải quyết việc làm mới cho gần 12.000 lao động, nâng số lao động đang làm việc trong các KCN lên gần 240.000 lao động, với thu nhập bình quân của lao động phổ thông năm 2015 đạt trên 4 triệu đồng/người/tháng, tăng gấp 2 lần so với năm 2010.

Phát triển các KCN theo hướng nhanh và bền vững

Từ những kết quả đạt được qua 20 năm hình thành và phát triển, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ X với mục tiêu "Phấn đấu đến năm 2020, Bình Dương trở thành trung tâm công nghiệp lớn, có trình độ sản xuất ở tầm quốc gia và khu vực, sản phẩm có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường trong nước, khu vực và thế giới", Ban Quản lý các KCN Bình Dương đã đề ra nhiều giải pháp thực hiện trong thời gian tới. Đó là phát triển các KCN theo hướng nhanh và bền vững; thu hút dự án đầu tư theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, tỷ lệ nội địa cao, ít thâm dụng lao động.

Dây chuyền sản xuất xe gắn máy tại nhà máy mới KYMCO Bình Dương ở KCN Đại Đăng 

Ưu tiên các ngành công nghiệp phụ trợ có khả năng tham gia vào chuỗi sản xuất sản phẩm toàn cầu, các ngành công nghiệp mũi nhọn như: điện, điện tử, viễn thông, tin học, công nghiệp cơ khí… đặc biệt ưu tiên hàng công nghiệp xuất khẩu và hàng xuất khẩu có tỷ lệ nội địa cao; công nghiệp chế biến sản phẩm nông-lâm nghiệp... cho xuất khẩu; củng cố hoạt động và nâng cao hiệu quả của KCN; hoàn thiện, đảm bảo hệ thống kết cấu hạ tầng tốt, kết nối với hệ thống kết cấu hạ tầng trong các KCN với vùng Đông Nam bộ và Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam một cách đồng bộ, hiệu quả. Bố trí hợp lý phân khu chức năng trong từng KCN, đầu tư tập trung và đồng bộ về ngành sản xuất, dịch vụ, nhà ở trong và ngoài các KCN.  

  

Công nhân sản xuất yên xe đạp tại Công ty TNHH Pro Active Global Việt Nam   

Phấn đấu lấp đầy các KCN ở phía Nam tỉnh và phát triển các KCN ở các huyện, thị phía Bắc: Bến Cát, Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên, Dầu Tiếng và Phú Giáo hợp lý; điều chỉnh mở rộng diện tích 3 KCN tăng thêm khoảng 2.087 ha; bổ sung quy hoạch và thành lập mới 11 KCN. Đến năm 2020, dự kiến toàn tỉnh có 35 KCN với tổng diện tích gần 13.764,8 ha. Từng bước chuyển đổi công năng KCN các thị xã phía Nam của tỉnh theo hướng phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, đô thị và dịch vụ. Phát triển KCN gắn với phát triển kinh tế-xã hội với bảo vệ môi trường, đảm bảo quốc phòng an ninh.

(Đình Lý, Website UBND tỉnh Bình Dương, 11/11/2015)

Tìm kiếm



Sự thành công của các Nhà đầu tư chính là sự thành công của chúng tôi, vì vậy chúng tôi không ngừng cập nhật, cải tiến mọi dịch vụ nhằm đáp ứng được tất cả các yêu cầu của các Nhà đầu tư.
Doanh nhân Bùi Mạnh Lân

Phim giới thiệu



Mạng xã hội
facebook twitter gplus youtube

Doanh nhân Bùi Mạnh Lân
© 2016 Bảo lưu nội dung.

Online: 2