Sau khi được khôi phục quyền công dân, ông Bùi Mạnh Lân, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hưng Thịnh, làm đơn tố cáo nhiều sai phạm của ông Nguyễn Văn Nên (vào thời điểm xảy ra vụ án năm 2003, ông Nên là Phó Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Tiền Giang). Trong đó có nội dung ông Nên và một số điều tra viên của Công an tỉnh Tiền Giang can thiệp vào một vụ tranh chấp dân sự, không thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan điều tra.
Nhiệt tình đến khó hiểu
Giữa ông Bùi Mạnh Lân và vợ chồng ông bà Nguyễn Văn Cư, Huỳnh Thị Thu (ngụ quận 10 TPHCM) có tranh chấp về chủ quyền đối với thửa đất có diện tích 23.383 m² tại thị trấn Dĩ An, huyện Dĩ An tỉnh Bình Dương. Khi biết cơ quan công an đang xác minh, điều tra vụ án “Gây rối trật tự công cộng” xảy ra tại KCN Đồng An vào ngày 18-9-2000, ông Cư và vợ gửi đơn tố cáo rằng ông Lân chiếm đoạt Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) thửa đất trên.
Dù xác minh vụ tranh chấp đã được TAND huyện Dĩ An tỉnh Bình Dương thụ lý giải quyết, việc tranh chấp không liên quan gì đến vụ án “Gây rối trật tự công cộng” mà Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an (có sự tham gia của tổ A4 do Nguyễn Văn Nên làm tổ trưởng) đang làm rõ, đồng thời biết rõ cơ quan điều tra không có thẩm quyền giải quyết tranh chấp dân sự nhưng ông Nguyễn Văn Nên và điều tra viên Nguyễn Tuyến Dũng vẫn nhiệt tình một cách khó hiểu, “ôm” việc dàn xếp luôn vụ này.
Ông Lân nhớ lại: “Tại cơ quan điều tra, ông Nên, ông Dũng nhiều lần gợi ý tôi trả lại sổ đỏ thửa đất tại thị trấn Dĩ An mà tôi đang cất giữ và “động viên” tôi nhận lại số tiền sử dụng đất 3 tỷ đồng mà tôi đã nộp cho Nhà nước thay cho bà Thu. Ở vào thế đang trong trại tạm giam, muốn sớm được ra tù để làm ăn nên không còn cách nào khác, tôi phải thuận theo”.
Ngày 7-8-2003, ông Nên và ông Dũng đứng ra lập biên bản về việc tự nguyện thỏa thuận giải quyết tranh chấp thửa đất 23.383m² theo nội dung trên. Một tuần sau, ông Cư mang tiền nộp cho ông Nên. Đầu tháng 9-2003, ông Lân (lúc này đã được tại ngoại) cũng mang nộp “sổ đỏ” thửa đất cho ông Nên.
Chính việc Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Tiền Giang quá nhiệt tình can thiệp vào việc giải quyết tranh chấp dân sự nói trên đã khiến cho việc xét xử của TAND huyện Dĩ An tỉnh Bình Dương sau này gặp khó khăn. Dẫn đến tại Quyết định Giám đốc thẩm số 12/2009/DS-GĐT ngày 14-5-2009, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao đã xử giám đốc thẩm, tuyên bác tư cách khởi kiện của bà Thu đối với thửa đất 23.383m².
Trong quá trình cơ quan chức năng tiến hành làm rõ vụ việc theo đơn tố cáo, ông Dũng khai rằng tham gia giải quyết tranh chấp dân sự thửa đất 23.383m² giữa ông Lân với vợ chồng ông Cư, bà Thu là theo sự chỉ đạo của ông Nên - cấp trên trực tiếp. Về phần mình, ông Nên cũng thừa nhận: với tư cách Phó Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Tiền Giang, ông đứng ra giải quyết việc tranh chấp là không đúng thẩm quyền.
Việc làm sai trái của ông Nên không dừng lại ở đó, mà còn thể hiện qua việc chỉ giải quyết quyền lợi cho một bên trong vụ tranh chấp. Cuối tháng 9-2003, ông Nên ra Quyết định xử lý vật chứng, trả lại sổ đỏ thửa đất cho bà Thu nhưng lại “quên” trả lại số tiền 3 tỷ đồng cho ông Lân hoặc Công ty Hưng Thịnh như biên bản thỏa thuận.
Sau đó, vào tháng 11-2003 và tháng 2-2004, ông Cư nộp thêm 2,25 tỷ đồng cho ông Nên và ông Dũng mà không biết rằng số tiền này cũng bị “ngâm”, không đến với người lẽ ra được nhận.
Vậy toàn bộ số tiền 5,25 tỷ đồng nói trên đã về đâu? Theo xác minh của Cơ quan Điều tra VKSND tối cao, ông Nên và ông Dũng không nộp ngay vào Kho bạc Nhà nước theo đúng quy định về gửi các khoản tiền thu giữ trong vụ án. Hai ông Nên, Dũng khai nhận số tiền này được đóng gói niêm phong gửi vào kho vật chứng nhưng không kiểm đếm nội dung.
Cuối năm 2004, hai ông được chuyển sang Phòng PC14 (Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự xã hội) Công an tỉnh Tiền Giang, số tiền 5,25 tỷ đồng được gửi vào kho của phòng, nhưng không nói cho thủ kho biết đó là tiền mà lại nói đó là tài liệu mật (?!).
Mãi đến ngày 15-10-2007, cả hai mới mở tài khoản tạm gửi tại Kho bạc Nhà nước tỉnh Tiền Giang và chuyển tiền vào đó. Sau khi bị Hội đồng thẩm phán TAND tối cao bác tư cách khởi kiện, tháng 9-2009 ông Cư mới nhận lại số tiền này.
Như vậy, ông Nên và ông Dũng đã giữ tiền của đương sự trong suốt thời gian dài - từ năm 2003 đến năm 2009. Cơ quan Điều tra VKSND tối cao nhận định: “Việc thu giữ sổ đỏ thửa đất 23.383m² và 5,25 tỷ đồng của các đương sự dưới hình thức vật chứng của vụ án trong khi vụ tranh chấp dân sự này không thuộc thẩm quyền giải quyết và không liên quan đến vụ án hình sự nào do Nên và Dũng thụ lý, là có dấu hiệu của hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Đây là việc làm trái với công vụ được giao, gây thiệt hại cho công dân”.
Theo Báo SGGP