Cho đến bây giờ mặc dù đã gần 8 năm trôi qua, nhưng ông Đỗ Cao Bằng vẫn không thể nào quên được những ngày ông bị giam tại Trại giam Công an Tiền Giang.
Ông kể cho tôi nghe những ngày đày ải ấy rồi cho tôi xem những vết sẹo vẫn còn trên cổ tay ông. Tôi hỏi: “Tại sao lại có vết sẹo như thế này?”, thì ông nói với giọng uất ức: “Tôi bị họ treo lên và đánh…”. Thật ra những điều ông kể tôi cũng đã được nghe từ lâu nhưng đây quả thực là việc khó. Bởi như người ta nói “án tại hồ sơ” không có chứng cứ, không ai “bắt tận tay, day tận trán” thì làm sao có thể xử lý được. Ông bị giam chung cùng với một số tay giang hồ cộm cán khác như: Hồ Việt Sử, Minh “cùi”… và cũng phải khá khen rằng, những tay giang hồ này vẫn còn có lương tâm. Từ chỗ chúng là người giám sát ông, bẩm báo lên điều tra viên mọi nhất cử, nhất động của ông nhưng rồi dần dà cảm phục trước ý chí và nhân cách của ông, chúng đã tôn ông lên hàng “đại ca”.
Ông Đỗ Cao Bằng đang giới thiệu về Khu công nghiệp Đồng An
Tôi hỏi ông Bằng: “Vậy trong những ngày bị giam họ có tìm thêm được chứng cứ gì về cái gọi là “Hành vi gây rối trật tự” của ông không?”, thì ông nói: “Họ rất ít hỏi về việc đó mà chủ yếu họ lại hỏi về những việc chẳng liên quan gì như: chúng tôi làm ăn với ai? Ai là người giúp đỡ chúng tôi trong làm kinh tế? Nghe những câu hỏi ấy tôi lờ mờ hiểu ra rằng, họ bắt chúng tôi chỉ là cái cớ còn mục đích của họ lại là việc khác”. Nhưng thôi.
Việc “thâm cung bí sử” của vụ án này sẽ được các Cơ quan điều tra làm rõ thêm cũng như những hành vi sử dụng nhục hình đối với ông Bằng, ông Lân và nhiều người khác.
Tính đến ngày 29/4/2003, tổng cộng đã có 7 người bị bắt khẩn cấp về hành vi “Gây rối trật tự công cộng” xảy ra trước đó gần 3 năm và điều kỳ lạ là, tài liệu để Nguyễn Văn Nên cùng tổ A4 dựng nên thành tội để bắt 7 người chỉ dựa vào 1 biên bản do Công an tỉnh Bình Dương, Đại diện Ban Quản lý Khu công nghiệp, Công an xã Bình Hòa, Công an huyện Thuận An và một số người khác như ông Tạo, ông Bần, ông Hướng, ông Lân, ông Bình ký với nhau. Biên bản chỉ có vẻn vẹn mấy dòng:
“Ý kiến ông Tạo: Nghe tin báo của công nhân, tôi tới thì thấy có một xe biển số 53L-2247 và một số người không phải là công nhân của công ty do đó tôi nhờ cơ quan giải quyết, hiện tại không có xảy ra xô xát.
Ý kiến ông Lân: Khi tôi nghe tin báo của Công ty Gas Bình Dương có tình hình gây mất trật tự, tôi có đến nhưng không thấy có tình hình gây rối ở trong Công ty Gas.
Qua sự việc, Cơ quan Công an có yêu cầu bảo vệ dẫn một số người nhà đi theo trên xe biển số 53L-2247 ra khỏi Công ty Gas để tránh việc xảy ra mất trật tự công ty”.
Kết thúc biên bản này đại diện của các cấp chính quyền công an cũng như ông Bằng, ông Hướng đã ký, riêng ông Tạo thì có ghi thêm rằng:
“Tôi phản đối hành động của ông Đỗ Cao Bằng đã có những hành động bất hợp lý ngăn cản sản xuất”.
Tất cả chỉ có vậy. Sau khi Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) – Bộ Công an khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 7 người, lúc đầu, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC) từ chối phê chuẩn lệnh tạm giam đối với Bùi Mạnh Lân và Phạm Văn Hướng bởi vì ông Lân không phải là chủ mưu và ông Hướng cũng không phải là đồng phạm với Đỗ Cao Bằng (Công văn số 1125/VKSTC-V1 ngày 9/5/2003). Nhưng Cơ quan CSĐT vẫn không chịu trả tự do cho những người này. Mặc dù có Công văn của VKSTC như vậy nhưng ông Tư Bốn chỉ thị: “Tiếp tục giam Lân, Hướng để điều tra, có báo cáo lãnh đạo liên ngành, tiếp tục kiến nghị VKSNDTC phê chuẩn giam Lân và Hướng”. Bốn ngày sau, Cơ quan điều tra lại có Công văn số 658 gửi VKSNDTC đề nghị Viện trưởng chỉ đạo cho Vụ 1 thực hiện việc phê chuẩn việc tạm giam ông Lân và ông Hướng. Rồi đến ngày 19/5, lại cũng cơ quan này có Công văn 687 gửi lãnh đạo Liên ngành Trung ương đề nghị xem xét lại về việc VKSNDTC từ chối phê chuẩn giam Lân và Hướng.
Ngày 21/5, Vụ 1 VKSNDTC đã có Công văn 1252 thông báo ý kiến lãnh đạo VKSNDTC: “Không phê chuẩn lệnh tạm giam đối với Bùi Mạnh Lân và Phạm Văn Hướng”. Lãnh đạo VKSNDTC đã từ chối không phê chuẩn giam Lân và Hướng đồng thời đã thông báo cho Lãnh đạo Bộ Công an, Tổng cục Cảnh sát và Cơ quan CSĐT – Bộ Công an. Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát lúc đó là ông Trương Hữu Quốc đã yêu cầu Cơ quan CSĐT thực hiện đúng quy định của pháp luật không vi phạm luật tố tụng và tránh phức tạp xảy ra. Công văn này do Thượng tá Nguyễn Thế Bình, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra ký.
Đọc công văn này, Thiếu tướng Nguyễn Việt Thành đã hết chịu nổi bởi từ khi có vụ án Năm Cam xảy ra, chưa một ai, chưa một cấp nào dám làm trái ý ông. Có thể nói rằng, tất cả những người nếu như không có ý kiến đồng tình với ông đều có thể bị ông coi đó là đồng bọn của Năm Cam và có ý đồ làm sai lệch hồ sơ vụ án. Và ông đã có bút phê vào công văn của Thượng tá Nguyễn Thế Bình lời lẽ như sau:
“Để chấp hành pháp luật triệt để và sự chỉ đạo của cấp trên. Tôi đề nghị C16 có bổ sung chứng cứ mới xin VKSTC phê chuẩn giam Lân và Hướng vì hành vi phạm tội của Lân và Hướng đã rõ.
Nếu Lân và Hướng bị bắt oan thì tôi Việt Thành hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật và cấp trên”.
(Vậy bây giờ bắt oan sai đã rõ ràng, ông Thành có chịu trách nhiệm không)
Trước những lời lẽ như vậy và do nhiều áp lực khác, ngày 11/6/2003, Vụ 1 VKSNDTC mới phê chuẩn lệnh tạm giam 3 tháng đối với Bùi Mạnh Lân. Riêng ông Phạm Văn Hướng, VKSNDTC kiên quyết từ chối phê chuẩn. Do vậy, ngày 12-6, Cơ quan CSĐT phải ra Quyết định thay đổi biện pháp ngăn chặn và ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Phạm Văn Hướng. Lệnh trên được giao cho Nguyễn Văn Nên để giao cho Trại giam Công an tỉnh Tiền Giang và bị can. Nhưng ông Nên không thực hiện với lý do còn phải báo cáo xin ý kiến của ông Việt Thành – Trưởng ban Chuyên án và đến 20 ngày sau thì ông Hướng mới được trả tự do sau khi bị giam 60 ngày không có lệnh của VKS, trong đó có 26 ngày bị giam sau khi cơ quan có thẩm quyền ra Quyết định thay đổi biện pháp ngăn chặn.
Ngày 7/8/2003, Cơ quan CSĐT – Bộ Công an có Quyết định vụ án “Gây rối trật tự công cộng”, chuyển hồ sơ vụ án sang VKSNDTC đề nghị truy tố.
Ngày 27/8/2003, Kiểm sát viên VKSNDTC Trần Thị Bích Hòa giao cho ông Nguyễn Văn Nên các quyết định hủy bỏ biện pháp tạm giam của VKSNDTC với 3 bị can Bùi Mạnh Lân, Đỗ Cao Bằng, Nguyễn Đức Bình, yêu cầu thực hiện. Nhưng ông Nên không thực hiện việc giao các Quyết định đó cho Trại giam Công an tỉnh Tiền Giang và các bị can, mà báo cáo đề xuất với ông Nguyễn Việt Thành, cho rằng: “Bị can Lân đang bị mở rộng điều tra làm rõ việc chiếm đoạt số tiền 8 tỉ đồng của Epco từ năm 1997; đồng thời liên quan đến việc chiếm đoạt hơn 23.000m2 đất của bà Huỳnh Thị Thu. Nếu giải quyết cho Bùi Mạnh Lân tại ngoại thì gây khó khăn cho việc điều tra mở rộng vụ án”. Thực tế, sau này chính ông Nên cũng phải xác định ông Lân không có hành vi chiếm đoạt tiền, đất như nhận định trước đó.
Ngày 1/9/2003, ông Nên và ông Dũng mới thực hiện Quyết định hủy bỏ biện pháp ngăn chặn đối với các ông Lân, Hướng, Bình. Như vậy họ đã bị giam thêm 5 ngày sau khi đã có Quyết định hủy bỏ biện pháp tạm giam của cơ quan có thẩm quyền.
Ngày 16/8/2004, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã ra Quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can đối với 7 bị can trong vụ án “gây rối trật tự công cộng” nêu trên.
Nhưng sự việc cũng lại chưa dừng ở đấy mà còn có một sự việc “quái quỷ” khác. Đó là Cán bộ điều tra của Công an Tiền Giang lại đi thụ lý tranh chấp quyền sử dụng thửa đất hơn 23 ngàn m2 tại thị trấn Dĩ An, huyện Dĩ An tỉnh Bình Dương.
Ngay khi tiến hành xác minh, điều tra vụ án “Gây rối trật tự công cộng”, tổ A4 do Nguyễn Văn Nên là tổ trưởng đã nhận được đơn của vợ chồng bà Huỳnh Thị Thu, Nguyễn Văn Cư tố cáo ông Bùi Mạnh Lân chiếm đoạt thửa đất 23.383m2 tại thị trấn Dĩ An, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Quá trình xác minh, tổ A4 biết trước đó tranh chấp về chủ quyền đối với thửa đất 23.383m2 đã được Tòa án nhân dân huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương thụ lý giải quyết. Mặc dù biết rõ Cơ quan điều tra không có thẩm quyền giải quyết tranh chấp dân sự, nhưng Nguyễn Văn Nên và Nguyễn Tuyến Dũng đã đứng ra giải quyết tranh chấp dân sự này.
Trong quá trình hỏi cung ông Lân, Nguyễn Văn Nên, và Nguyễn Tuyến Dũng đã gợi ý ông Lân trả lại sổ đỏ thửa đất 23.383m2 cho vợ chồng Thu, Cư và nhận lại số tiền 3 tỉ đồng mà ông Lân đã nộp tiền sử dụng thửa đất đó cho Nhà nước thay bà Thu. Cũng trong quá trình điều tra, ông Lân phải nhận đã chiếm dụng hơn 40 tỉ đồng của Công ty Epco do Liên Khui Thìn làm Giám đốc. Trong các lần hỏi cung, ông Lân đã khai với Nên và Dũng: Đã chiếm đoạt của Epco khoảng 8 tỉ đồng. Mặc dù chưa có cơ sở để xác định bị can Lân có chiếm đoạt 8 tỉ đồng của Công ty Epco hay không, nhưng Nên và Dũng vẫn động viên oLân tự nguyện bán nhà riêng ở đường Nguyễn Văn Trỗi, quận Phú Nhuận (dự kiến được 5 tỉ đồng) và nhận lại 3 tỉ đồng do bà Thu trả, tổng cộng được 8 tỉ đồng nộp cho Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Tiền Giang để trả lại Công ty Epco. Còn ông Lân, trong hoàn cảnh bị giam giữ như vậy, cho nên đành chấp nhận tất, bởi ông biết rõ đây là vụ ông Nên đứng ra đi đòi nợ thuê, vì thế, không theo ý họ thì chưa biết chừng chẳng còn “đường về quê mẹ”.
Ngày 7/8/2003, ông Nguyễn Văn Nên và Nguyễn Tuyến Dũng đã trích xuất ông Bùi Mạnh Lân ra khỏi phòng giam, cho gặp vợ chồng Huỳnh Thị Thu và Nguyễn Văn Cư để thỏa thuận việc trả lại sổ đỏ, nhận lại tiền. Ông Nguyễn Văn Nên và Nguyễn Tuyến Dũng đứng ra lập biên bản (về việc tự nguyện thỏa thuận giải quyết tranh chấp lô đất 23.383m2 giữa bị can Bùi Mạnh Lân với ông Nguyễn Văn Cư, bà Huỳnh Thị Thu). Theo đó, ông Lân đồng ý nhận lại số tiền 3 tỉ đồng và trả lại sổ đỏ thửa đất 23.383m2 cho bà Thu, ông Cư. Hai bên thống nhất thời gian nộp tiền và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào ngày 25/8/2003 tại Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Tiền Giang.
Ngày 15/8/2002, ông Cư nộp 3 tỉ đồng cho Nguyễn Văn Nên và Nguyễn Tuyến Dũng. Trong báo cáo số 754/BC-PC đề ngày 24/8/2003 gửi các ông Nguyễn Việt Thành – Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Nguyễn Thế Bình – Phó cục trưởng C16, Nguyễn Chí Phi – Phó giám đốc Công an Tiền Giang, Nguyễn Văn Nên nhận định: Bùi Mạnh Lân đã chiếm đoạt 8 tỉ đồng của Công ty Epco, có dấu hiệu phạm tội lạm dụng tín nhiệm và chiếm giữ trái phép tài sản; đề xuất Cơ quan CSĐT – Bộ Công an khởi tố bị can và tiếp tục ra Lệnh tạm giam đối với Bùi Mạnh Lân. Nhưng ông Nguyễn Việt Thành cho ý kiến: “Chưa khởi tố Bùi Mạnh Lân lúc này. Lúc này thông qua Lân để động viên gia đình sớm bán nhà để nộp Kho bạc Nhà nước…”.
Ngày 5/9/2003, ông Bùi Mạnh Lân (lúc này đã được tại ngoại) nộp sổ đỏ thửa đất 23.383m2 cho Nên và Dũng. Ngày 21/9/2003, ông Nguyễn Văn Nên ra Quyết định xử lý vật chứng, trả lại sổ đỏ thửa đất 23.383m2 cho Huỳnh Thị Thu, nhưng không trả lại số tiền 3 tỉ đồng cho ông Lân hoặc Công ty cổ phần Hưng Thịnh như biên bản thỏa thuận. Mặc dù trong hồ sơ do Nguyễn Văn Nên và Nguyễn Tuyến Dũng quản lý chỉ có biên bản thỏa thuận ngày 7/8/2003, theo đó bà Huỳnh Thị Thu và ông Nguyễn Văn Cư phải trả lại cho ông Bùi Mạnh Lân 3 tỉ đồng. Ngoài ra không có thỏa thuận nào khác. Nhưng ngày 20/11/2003, ông Cư nộp thêm cho ông Dũng 1 tỉ đồng; ngày 23/2/2004, nộp 1,25 tỉ đồng. Như vậy từ tháng 8/2003 đến tháng 2/2004 hai ông Nguyễn Văn Nên và Nguyễn Tuyến Dũng đã thu giữ 5,25 tỉ đồng do ông Nguyễn Văn Cư nộp.
Ngày 9/12/2003, Cơ quan CSĐT Bộ Công an có Báo cáo số 1822/C16-C3 báo cáo ông Nguyễn Việt Thành – Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát nhân dân kết quả xác minh đơn của Liên Khui Thìn tố cáo Bùi Mạnh Lân chiếm đoạt tài sản của các công ty “con” thuộc Công ty Epco. Tại báo cáo này, Cơ quan CSĐT đã khẳng định việc Liên Khui Thìn tố cáo là không có cơ sở. Bản thân Liên Khui Thìn đã rút đơn.
Ngày 19/12/2003, Nguyễn Văn Nên có Báo cáo số 80/PC16 gửi các ông Nguyễn Việt Thành, Nguyễn Thế Bình, Nguyễn Chí Phi về kết quả điều tra theo đơn tố cáo của ông Nguyễn Văn Cư và bà Huỳnh Thị Thu về việc Bùi Mạnh Lân chiếm đoạt giấy chứng nhận quyền sử dụng lô đất 23.383m2 tại Khu Công nghiệp tỉnh Bình Dương đã nhận định: “Đây là vụ tranh chấp dân sự giữa Bùi Mạnh Lân và Huỳnh Thị Thu, Nguyễn Văn Cư, không có dấu hiệu lừa đảo”. Đồng thời đề xuất trả lại số tiền 4 tỉ đồng đã thu của Nguyễn Văn Cư cho Bùi Mạnh Lân.
Thực tế, số tiền 5,25 tỉ đồng do Nguyễn Văn Cư nộp, Nguyễn Văn Nên và Nguyễn Tuyến Dũng không nộp ngay vào Kho bạc Nhà nước, cũng không trả cho Bùi Mạnh Lân hay Công ty Hưng Thịnh, cho đến ngày 15/10/2007, Nên và Dũng mới mở tài khoản tạm gửi tại Kho bạc Nhà nước tỉnh Tiền Giang và chuyển tiền vào đó. Việc Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Tiền Giang can thiệp vào việc giải quyết tranh chấp dân sự nói trên góp phần gây khó khăn cho Tòa án nhân dân trong việc giải quyết vụ kiện này.
Tại Quyết định Giám đốc thẩm số 12/2009/DS-GĐT ngày 14/5/2009, của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã xử Giám đốc thẩm, tuyên bố bác bỏ tư cách khởi kiện của bà Huỳnh Thị Thu đối với thửa đất 23.383m2. Tháng 9/2009, Ông Nguyễn Văn Cư đã nhận lại số tiền này. Như vậy, ông Nguyễn Văn Nên và ông Nguyễn Tuyến Dũng đã thu giữ 5,25 tỉ đồng của đương sự trong suốt thời gian từ năm 2003 đến 2009 là 6 năm.
Theo Báo Petrotime