Lợi dụng quyền hạn bắt, giam công dân
23/05/2016 16:58

LTS: Chiều 23-12-2010, Công an tỉnh Tiền Giang đã công bố các quyết định do Thượng tướng Nguyễn Khánh Toàn, Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an ký về xử lý kỷ luật 3 sĩ quan công an có sai phạm trong hoạt động điều tra, xử lý một số vụ án hình sự xảy ra trước đây

Vì sao 3 sĩ quan công an từng được đánh giá cao, có khả năng được đề bạt chức vụ cao hơn lại bị kỷ luật? Báo SGGP xin thông tin đến bạn đọc những sai phạm của những sĩ quan công an này.

  • Hình sự hóa vụ án dân sự

Lần giở tài liệu từ cách đây 10 năm cho thấy: Công ty cổ phần Gaz Bình Dương là một trong những doanh nghiệp thuê trụ sở tại KCN Đồng An (huyện Thuận An tỉnh Bình Dương) do Công ty cổ phần Hưng Thịnh làm chủ đầu tư và quản lý hạ tầng.

Trong quá trình kinh doanh, vào năm 2000, giữa các thành viên trong HĐQT Công ty Gaz Bình Dương xảy ra tranh chấp. Chủ tịch Hội đồng thành viên Đỗ Cao Bằng, Ủy viên Hội đồng thành viên kiêm Phó Tổng giám đốc Phạm Văn Hướng (ông Hướng cũng là Phó Tổng giám đốc Công ty CP Hưng Thịnh), Ủy viên Hội đồng thành viên Nguyễn Đức Bình cho rằng Tổng giám đốc Nguyễn Viết Tạo có biểu hiện lạm dụng chức vụ để chiếm đoạt tài sản của công ty.

Ngày 18-9-2000, nghi ngờ Tổng giám đốc Nguyễn Viết Tạo có ý đồ tẩu tán tài sản, ông Bằng và ông Bình đưa một số người đến giữ tài sản của công ty. Ông Tạo chỉ đạo nhân viên bảo vệ chống lại, dẫn đến hai bên xô xát. Mọi việc được giải quyết ổn thỏa khi Ban quản lý KCN tỉnh Bình Dương và Công an tỉnh Bình Dương đến hiện trường xử lý.

Những tưởng chuyện đến đây là xong, nhưng trong quá trình Cơ quan Cảnh sát điều tra – Bộ Công an giải quyết chuyên án Trương Văn Cam (Năm Cam) cùng đồng bọn, đột nhiên tháng 6-2002 ông Tạo làm đơn gửi Ban chuyên án tố cáo một số thành viên HĐQT Công ty CP Hưng Thịnh thuê các đối tượng xã hội đen trong băng nhóm Năm Cam đến Công ty Gaz Bình Dương gây rối và chiếm giữ tài sản.

Ông Nguyễn Việt Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Trưởng ban chuyên án đồng ý cho tổ A4 thuộc chuyên án (gồm một số điều tra viên thuộc Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an tỉnh Tiền Giang do Phó Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Nên làm tổ trưởng) giải quyết. Một vụ tranh chấp dân sự bỗng chốc biến thành một vụ án hình sự, bị gắn vào giai đoạn hai của chuyên án này!

Vụ bắt một số thành viên HĐQT Công ty cổ phần Hưng Thịnh gây tâm lý hoang mang cho các doanh nghiệp đầu tư vào KCN Đồng An. Ảnh: L.T.HÂN

  • Bắt người trái thẩm quyền

Cuối tháng 3-2003, ông Nguyễn Văn Nên ký lệnh và tổ chức thực hiện lệnh bắt, khám xét khẩn cấp đối với ông Đỗ Cao Bằng, Nguyễn Đức Bình cùng 3 cá nhân khác. Một tháng sau, ông Nên tiếp tục bắt, khám xét khẩn cấp đối với Bùi Mạnh Lân (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Hưng Thịnh), Phạm Văn Hướng (Phó Tổng giám đốc Công ty CP Hưng Thịnh) tại trụ sở Công ty Hưng Thịnh. Cả 7 người đều bị Cơ quan Cảnh sát điều tra – Bộ Công an khởi tố về tội “Gây rối trật tự công cộng” vì bị cho rằng có liên quan đến vụ việc xảy ra gần 3 năm trước đó - ngày 18-9-2000.

Với nhận định ông Lân không phải là chủ mưu, ông Hướng không phải là đồng phạm trong vụ “gây rối trật tự công cộng” với ông Bằng, VKSND tối cao từ chối phê chuẩn lệnh tạm giam đối với hai ông Lân, Hướng.

Nhận được công văn thông báo của Cơ quan Cảnh sát điều tra – Bộ Công an về việc này, ông Nguyễn Việt Thành ghi ý kiến chỉ đạo: “C16 (phiên hiệu của Cơ quan Cảnh sát điều tra – Bộ Công an) tiếp tục bổ sung chứng cứ, xin VKSND Tối cao phê chuẩn Lân và Hướng. Nếu Lân và Hướng bị bắt oan thì tôi – Việt Thành hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật và cấp trên”.

Từ lời cam kết này, ngày 11-6-2003 VKSND Tối cao mới phê chuẩn lệnh tạm giam trong thời hạn 3 tháng đối với ông Lân. Riêng với ông Hướng, viện kiểm sát kiên quyết từ chối phê chuẩn.

Theo báo cáo kết quả xác minh tố giác tội phạm của Cơ quan điều tra – VKSND tối cao, việc bắt khẩn cấp các ông Lân, Hướng nói trên là vi phạm quy định của pháp luật tố tụng hình sự. Bởi lẽ việc tranh chấp, xô xát đã diễn ra trước đó gần 3 năm tại tỉnh Bình Dương (nghĩa là đến thời điểm cuối tháng 4-2003, hậu quả đã không còn nguy hiểm để làm căn cứ bắt khẩn cấp – PV); đồng thời ông Lân và ông Hướng không cư trú, làm việc tại tỉnh Tiền Giang nên việc cơ quan Công an tỉnh Tiền Giang “vươn tay” bắt người ở tỉnh Bình Dương là không đúng thẩm quyền về lãnh thổ.

  • Tiếp tục tạm giam trái pháp luật

Do VKSND tối cao không phê chuẩn lệnh tạm giam đối với ông Phạm Văn Hướng nên ngay sau đó phó thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra – Bộ Công an đã ra quyết định thay đổi biện pháp ngăn chặn (cho tại ngoại, cấm đi khỏi nơi cư trú – PV) và giao quyết định này cho ông Nguyễn Văn Nên.

Tuy nhiên, đến này 7-7-2003, ông Nên mới chuyển quyết định đến Trại giam Công an tỉnh Tiền Giang và ông Hướng. Tính ra, ông Hướng phải chịu cảnh “ngồi tù trái luật” 60 ngày vì không có lệnh phê chuẩn của viện kiểm sát, trong đó có 26 ngày tiếp tục bị giam trong khi lẽ ra ông đã được tự do.

Việc kéo dài thời hạn tạm giam trái pháp luật không chỉ đối với một người. Dù đã nhận các quyết định hủy bỏ biện pháp tạm giam của VKSND tối cao đối với Bùi Mạnh Lân, Đỗ Cao Bằng, Nguyễn Đức Bình từ ngày 27-8-2003, nhưng đến ngày 1-9-2003 ông Nên mới thực hiện các quyết định này. Như vậy, các ông Lân, Bằng, Bình bị giam “lố” oan ức 5 ngày.

Theo Cơ quan điều tra – VKSND tối cao, hành vi này của ông Nên có dấu hiệu lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Là người được giao nhiệm vụ bảo vệ pháp luật, nhưng ông Nên lại có nhiều hành vi sai phạm, làm ảnh hưởng đến lòng tin của người dân vào hoạt động đúng đắn của cơ quan tư pháp.

Vụ án “Gây rối trật tự công cộng” nói trên cũng đã chính thức khép lại khi ngày 16-8-2004, VKSND tối cao ra quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can đối với các ông Lân, Hướng, Bằng, Bình và 3 bị can khác đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra – Bộ Công an khởi tố. 

Theo Báo SGGP

Tìm kiếm



Sự thành công của các Nhà đầu tư chính là sự thành công của chúng tôi, vì vậy chúng tôi không ngừng cập nhật, cải tiến mọi dịch vụ nhằm đáp ứng được tất cả các yêu cầu của các Nhà đầu tư.
Doanh nhân Bùi Mạnh Lân

Phim giới thiệu



Mạng xã hội
facebook twitter gplus youtube

Doanh nhân Bùi Mạnh Lân
© 2016 Bảo lưu nội dung.

Online: 2