Ông Nguyễn Việt Thành viết: "Tôi tự thấy điều hành công việc còn khiếm khuyết, ít học, lại dốt, không am hiểu luật, thông qua điều hành một số vụ án và ở một số cuộc họp. Tôi xấu hổ nhưng cũng xác định rõ muốn khắc phục là cầu thị và cầu thị. Vụ Lân là một minh chứng".
"Trong quá trình điều tra Chuyên án Năm Cam, C16B và PC16 Công an tỉnh Tiền Giang có phối hợp khởi tố, điều tra vụ án gây rối trật tự công cộng xảy ra tại Công ty Gas Bình Dương. Do có nhiều sai sót, vi phạm trong quá trình điều tra nên vụ án này phải đình chỉ điều tra, không đưa xét xử được và liên tục có đơn khiếu kiện, tố cáo suốt từ năm 2003 cho đến nay…”. Đó là phần mở đầu cho Kết luận số 1228/C44 (P3), ngày 27/7/2010 của Cơ quan Cảnh sát điều tra – Bộ Công an về vụ việc liên quan.
Bút tích của ông Nguyễn Việt Thành nhận mình khiếm khuyết trong công tác chỉ đạo
Lỗi đầu là của ông Nên, cao hơn là của…?
Theo Kết luận số 1228 về việc giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo có liên quan đến ông Nguyễn Văn Nên – nguyên Phó thủ trưởng Cơ quan CSĐT – Công an tỉnh Tiền Giang, “nhiều nội dung khiếu nại, tố cáo đối với ông Nên là có cơ sở và có trách nhiệm thuộc về cá nhân ông”. Tuy nhiên, nhiều ý kiến khác cho rằng, ông Nên không thể “tự tung, tự tác” như vậy, bởi quá trình điều tra trong thời gian đó luôn có sự chỉ đạo từ Tổng cục Cảnh sát, đặc biệt là từ nguyên Phó tổng cục trưởng, Trưởng ban Chỉ đạo điều tra vụ án Năm Cam – Thiếu tướng Nguyễn Việt Thành.
Một số biểu hiện vi phạm pháp luật trong quá trình điều tra được Cơ quan CSĐT – Bộ Công an nêu ra là: Việc ký lệnh bắt và khám xét khẩn cấp đối với Bùi Mạnh Lân, Phạm Văn Hướng là trái quy định của Điều 63 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS). Việc giam giữ ông Phạm Văn Hướng không có lệnh giam kể từ ngày 12/6/2003 đến 7/7/2003 là vi phạm pháp luật, có dấu hiệu của tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn giam giữ người trái pháp luật theo Điều 303 Bộ luật Hình sự (BLHS) (việc này trách nhiệm chính thuộc về ông Nên). Việc không thực hiện ngay quyết định của VKSND Tối cao, giam giữ ông Bùi Mạnh Lân quá 5 ngày không có lệnh cũng là vi phạm pháp luật hình sự.
Bên cạnh đó, trong Báo cáo số 1131/C11 (C16) ngày 26/4/2004 gửi Thứ trưởng Bộ Công an và Báo cáo số 1281/C44 (P3) gửi Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, đã kết luận rõ: Hành vi của các đối tượng Lân, Hướng, Bằng chưa cấu thành tội gây rối trật tự công cộng (TTCC) được quy định tại Điều 245 BLHS. Việc gây mất trật tự tại Công ty TNHH Gas Bình Dương xảy ra ngày 18/9/2000 đã được Công an tỉnh Bình Dương lập biên bản giải quyết.
Đến năm 2002 có đơn tố cáo, Cơ quan CSĐT – Bộ Công an đã thẩm tra và kết luận đây là tranh chấp về kinh tế, không có dấu hiệu phạm tội hình sự. Việc tranh chấp trên thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án (kết quả xác minh đã thông báo cho đương sự biết). Trong khi TAND tỉnh Bình Dương đang thụ lý hồ sơ vụ việc thì ngày 27/3/2003, Cơ quan CSĐT – Công an tỉnh Tiền Giang ra lệnh bắt khẩn cấp 5 đối tượng, đến ngày 29/4/2003 lại ra lệnh bắt khẩn cấp tiếp 2 đối tượng nữa. Việc Cơ quan CSĐT – Công an tỉnh Tiền Giang bắt khẩn cấp và VKSND tỉnh Tiền Giang phê chuẩn lệnh bắt khẩn cấp các đối tượng trên là không đúng vì không thuộc một trong ba trường hợp được bắt người trong trường hợp khẩn cấp do BLTTHS quy định. Mặt khác, sự việc xảy ra từ năm 2000 (tức là đã 3 năm) và việc tranh chấp trên đang thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa Kinh tế – TAND tỉnh Bình Dương.
Theo phân tích của các cán bộ điều tra, việc gây mất trật tự tại Công ty TNHH Gas Bình Dương xảy ra trưa ngày 18/9/2000 (giờ nghỉ việc) tuy các đối tượng đã có hành vi gây rối nhưng chưa gây hiệu quả nghiêm trọng. Căn cứ vào Khoản 1, Điều 245 – BLHS quy định tội gây rối TTCC: “Người nào gây rối TTCC gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm…” nên mặc dù vụ án đã được VKSND đề nghị truy tố, nhưng căn cứ vào tài liệu điều tra có trong hồ sơ thì việc truy tố, xét xử sẽ gặp rất nhiều khó khăn vì chứng cứ rất yếu.
Ông Nguyễn Việt Thành thừa nhận mình khiếm khuyết
Giở lại những bản báo cáo, ý kiến chỉ đạo của các cấp lãnh đạo về vụ án Năm Cam, có thể nhận thấy ông Nguyễn Việt Thành không đồng tình với việc từ chối phê giam của VKSND Tối cao đối với trường hợp Bùi Mạnh Lân, Phạm Văn Hướng. Thậm chí ngày 23/10/2003, ông Thành còn viết: "Kính gởi anh Bình PCT C16. Bùi Mạnh Lân và đồng bọn trong vụ gây rối TTCC đã rõ. Nhưng tôi rất phân vân và day dứt lương tâm là ngay từ đầu có người nêu chỉ khởi tố, phê giam về tội gây rối TTCC và chỉ tạm giam mà thôi. Vì sao vậy, không phải lời nói này xảy ra ngẫu nhiên… Muốn làm được chỉ đạo cấp trên phải có thời gian xét hỏi, xác minh, có sự chỉ đạo tập trung, các yếu tố này thiếu. Cho Lân tại ngoại quá đột ngột, tôi không hay biết, chẳng ai bàn bạc”.
Tuy nhiên, cũng ngay từ ngày 23/10/2003, ông Nguyễn Việt Thành lại tự nhìn nhận rằng: "Tôi tự thấy điều hành công việc còn khiếm khuyết, ít học, lại dốt, không am hiểu luật, thông qua điều hành một số vụ án và ở một số cuộc họp. Tôi xấu hổ nhưng cũng xác định rõ muốn khắc phục là cầu thị và cầu thị. Vụ Lân là một minh chứng”.
Về những thông tin cho rằng, ông Thành đã “chống lưng” cho cán bộ cấp dưới, trong đó có ông Nguyễn Văn Nên thực hiện những việc làm trái quy định trong vụ án gây rối TTCC ở Công ty Gas Bình Dương, ông Thành cho rằng, đó là dụng ý bôi nhọ uy tín cá nhân ông. Trên thực tế, chưa có cơ sở vững chắc để nói ông Nguyễn Việt Thành đã “bật đèn xanh” cho cán bộ cấp dưới dùng tiền tang vật của vụ án gửi vào tài khoản ngân hàng lấy tiền lãi sử dụng cho cá nhân. Nhưng điều mà ông Thành đã nhìn nhận trong bút phê trên đây thể hiện rõ: Sai lầm của ông là không am hiểu pháp luật trong khi điều hành một số vụ án, dẫn tới những chỉ đạo vội vàng, thiếu cân nhắc.
Ví dụ, điển hình là chỉ đạo của ông đối với Báo cáo nhanh số 13/C14 về việc Bùi Mạnh Lân và Phạm Văn Hướng có dấu hiệu bỏ trốn. Ngày 28/4/2003, ông Thành đã trực tiếp bút phê vào báo cáo này: "Cho bắt khẩn cấp 2 đối tượng Lân và Hướng trước lễ 30/4 và 1/5 Báo cáo VKSND Tối cao về việc bắt khẩn cấp 2 trường hợp này. Củng cố chứng cứ xin VKSND Tối cao phê giam…”. Và trong Báo cáo số 764/C16 (P2) C3 ngày 28/5/2003, gửi Thiếu tướng Nguyễn Việt Thành, nội dung đề cập tới việc VKSND Tối cao đã có công văn từ chối phê giam vì lý do Bùi Mạnh Lân không phải là chủ mưu và Phạm Văn Hướng không đồng phạm với Đỗ Cao Bằng, Nguyễn Đức Bình gây rối TTCC theo Khoản 2, Điều 245 BLHS có đoạn: "C16-C3 đã báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của đồng chí về việc VKSND Tối cao từ chối phê giam, đồng chí chỉ thị: "Tiếp tục giam Lân và Hướng để điều tra”, có báo cáo lãnh đạo liên ngành, tiếp tục kiến nghị VKSND Tối cao phê giam Lân và Hướng”.
Tuy nhiên, VKSND Tối cao vẫn tiếp tục từ chối công văn đề nghị của C16 về việc phê chuẩn lệnh tạm giam ông Lân và ông Hướng, đồng thời thông báo cho lãnh đạo Bộ Công an, Tổng cục Cảnh sát và Cơ quan CSĐT – Bộ Công an yêu cầu thực hiện đúng quy định của pháp luật, không được vi phạm luật tố tụng và tránh phức tạp xảy ra. C16-C3 đã báo cáo lên Phó tổng cục trưởng Nguyễn Việt Thành về yêu cầu của VKSND Tối cao, nhưng ông Thành đã chỉ đạo tiếp: "Tôi đề nghị C16 có bổ sung chứng cứ mới, xin VKSND Tối cao phê giam Lân và Hướng vì hành vi phạm tội của Lân và Hướng đã rõ. Nếu Lân và Hướng bị bắt oan thì tôi – Việt Thành hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật và cấp trên”.
Vậy là từ sự chỉ đạo thiếu cân nhắc của một vị tướng cầm trịch trong cuộc điều tra vụ án Năm Cam, kết hợp với vụ án gây rối TTCC tại Công ty Gas Bình Dương, có ít nhất 3 cán bộ trong ngành bị khởi tố vì vi phạm pháp luật trong quá trình điều tra. Tổng giám đốc và Phó tổng giám đốc của một KCN lớn bị giam giữ, người thì hơn 2 tháng, người thì hơn 1 tháng mà không có lệnh phê giam của VKSND Tối cao, bởi một vụ gây rối TTCC đã xảy ra cách đó 3 năm, không gây hậu quả nghiêm trọng và đã được Công an địa phương hòa giải. Nhiều người đặt dấu hỏi về việc Cơ quan CSĐT tỉnh Tiền Giang cố tình khởi tố vụ án gây rối TTCC xảy ra tại tỉnh Bình Dương, với các đối tượng đều ở Bình Dương, rồi đưa các đối tượng về giam giữ tại Tiền Giang. Phải chăng đã có sự tiếp tay của “cơ quan công quyền” cho một số cá nhân trong âm mưu chiếm đoạt tài sản của Công ty CP Hưng Thịnh?
Theo Báo Petrotime