Vì sao người hùng trong vụ Năm Cam bị bắt? (Kỳ 1)
23/05/2016 17:37

Phóng viên đã có một cuộc điều tra độc lập về hành vi phạm tội của các đối tượng này và một số người liên quan.

Ngày 7/6/2011, tại tỉnh Tiền Giang, Cục Điều tra Hình sự của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã thực hiện lệnh khởi tố và khám xét, đồng thời cấm đi khỏi nơi cư trú đối với hai ông là Ngô Thanh Phong, nguyên Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ – Công an Tiền Giang và Nguyễn Văn Nên, nguyên Trưởng CA huyện Châu Thành; khởi tố, khám xét và bắt tạm giam 4 tháng đối với Phạm Văn Út, nguyên Thủ kho Vật chứng của Phòng Cảnh sát điều tra.

Trong số này thì Nguyễn Văn Nên, từng được khen thưởng và coi là “người hùng” trong vụ án triệt phá băng nhóm tội phạm do Năm Cam cầm đầu. Cả ba bị can đều bị khởi tố với tội danh “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, theo điều 281 Bộ Luật Hình sự nước CHXHCN Việt Nam.

Khám xét nơi ở của Phạm Văn Út.

Khám xét nơi ở của Phạm Văn Út.

Từ năm 2005, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao nhận được nhiều đơn của ông Bùi Mạnh Lân – Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc, ông Phạm Văn Hướng – Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Hưng Thịnh, trụ sở tại Khu công nghiệp Đồng An, tỉnh Bình Dương, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động điều tra các vụ án hình sự của một số cán bộ Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an tỉnh Tiền Giang. Các cơ quan Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, Bộ Công an… cũng chuyển đơn tố cáo của ông Bùi Mạnh Lân và ông Phạm Văn Hướng yêu cầu Cơ quan điều tra – Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao xác minh làm rõ nội dung tố cáo của công dân.

Đơn của ông Bùi Mạnh Lân và ông Phạm Văn Hướng tập trung ở các nội dung sau:

Tố cáo ông Nguyễn Văn Nên và một số cán bộ điều tra tiến hành bắt, khám xét khẩn cấp trái pháp luật đối với các ông Bùi Mạnh Lân, Phạm Văn Hướng trong vụ án “Gây rối trật tự công cộng” năm 2003. Khi cơ quan pháp luật có thẩm quyền ra Quyết định trả tự do cho ông Bùi Mạnh Lân, ông Phạm Văn Hướng, nhưng ông Nguyễn Văn Nên và đồng sự không thực hiện ngay, kéo dài thời gian giam giữ đối với họ. Ngoài ra còn có việc giải quyết tranh chấp dân sự trái thẩm quyền đối với tranh chấp sử dụng thửa đất 23.383m2 ở huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương giữa ông Bùi Mạnh Lân và vợ chồng bà Huỳnh Thị Thu, Nguyễn Văn Cư. Thu giữ trái luật 5,25 tỉ đồng của ông Nguyễn Văn Cư từ cuối năm 2003 để gửi tiết kiệm lấy lãi, cuối năm 2009 mới trả lại cho ông Cư. Dùng tiền thu giữ trong một số vụ án hình sự khác gửi tiết kiệm lấy lãi để chia nhau và dùng cho mục đích cá nhân.

Kết quả điều tra đã cho thấy nhiều sai phạm của ông Nên, Phong và Út.

Theo quy định của pháp luật, trong quá trình điều tra các vụ án hình sự, Cơ quan Điều tra chỉ được phép thu giữ các tài sản là vật chứng của vụ án. Các tài sản không phải là vật chứng thì không được thu giữ. Nếu đã thu giữ thì phải trả lại cho đương sự. Tài sản là tiền sau khi thu giữ phải gửi vào tài khoản tại Kho bạc Nhà nước để quản lý. Tuy nhiên, Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an tỉnh Tiền Giang không thực hiện đúng quy định. Không mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước để gửi các khoản tiền thu giữ trong các vụ án. Tiền thu giữ trong các vụ án hình sự được giữ lại Cơ quan Điều tra sử dụng vào các mục đích trái quy định của pháp luật. Cụ thể như sau:

Ngày 28/10/2002, Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an tỉnh Tiền Giang ra Quyết định số 40 khởi tố vụ án “Buôn lậu”, gọi tắt là vụ 502X (vụ án “Hùng Xtec”). Quá trình điều tra Cơ quan Cảnh sát điều tra thu giữ nhiều tiền, tài sản của các đối tượng trong vụ án. Cơ quan Cảnh sát điều tra đã không gửi số tiền, ngoại tệ thu giữ được vào tài khoản tại Kho bạc Nhà nước. Ông Ngô Thanh Phong (nguyên Trưởng phòng), ông Nguyễn Văn Nên (nguyên Phó trưởng phòng Cảnh sát điều tra – Công an tỉnh Tiền Giang) lại chỉ đạo ông Phạm Văn Út (nguyên Thủ kho Vật chứng) và một số cán bộ Phòng Cảnh sát điều tra mang toàn bộ số tiền thu giữ trong vụ án 502X gửi các ngân hàng thương mại dưới hình thức gửi tiết kiệm để lấy lãi.

Tổng cộng tiền lãi thu được là: 1.368.539.312 đồng. Số tiền lãi trên được đưa vào quỹ riêng của Phòng Cảnh sát điều tra do ông Phạm Văn Út quản lý, không nằm trong hệ thống sổ sách kế toán của đơn vị và được chi dùng cho lợi ích cục bộ, mua sắm tài sản cấp cho chỉ huy phòng, một số chia cho cán bộ, điều tra viên trong đơn vị. Đến nay đã chi dùng hết.

Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an tỉnh Tiền Giang còn có một số vi phạm khác trong việc thu giữ, bảo quản, xử lý tiền, tài sản thu giữ trong vụ án 502X. Đến nay, còn 424 triệu đồng thu giữ của một số đối tượng được tách khỏi vụ án 502X khi truy tố chưa rõ để ở đâu, ai quản lý (!?).

Đối với ông Nguyễn Văn Nên, ngoài các sai phạm trên còn có hành vi vi phạm khi tham gia điều tra vụ “Gây rối trật tự công cộng” xảy ra năm 2002 tại tỉnh Bình Dương như:

Tháng 4/2003, ông Nguyễn Văn Nên với tư cách là Phó thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an tỉnh Tiền Giang đã ký và thực hiện Lệnh bắt, khám xét khẩn cấp đối với ông Bùi Mạnh Lân, ông Phạm Văn Hướng trái thẩm quyền không đảm bảo căn cứ theo quy định của pháp luật về các trường hợp được bắt, khám xét khẩn cấp.

Không thực hiện kịp thời Quyết định thay đổi biện pháp ngăn chặn của Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra – Bộ Công an đối với ông Phạm Văn Hướng kéo dài việc tạm giam thêm 26 ngày. Không thực hiện Quyết định hủy bỏ biện pháp tạm giam của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đối với các ông Bùi Mạnh Lân, Đỗ Cao Bằng, Nguyễn Đức Bình kéo dài việc tạm giam thêm 5 ngày đối với họ.

Phạm Văn Út (áo trắng) nghe đọc lệnh bắt tạm giam.

Phạm Văn Út (áo trắng) nghe đọc lệnh bắt tạm giam.

Biết Cơ quan Điều tra không có thẩm quyền giải quyết tranh chấp dân sự, biết rõ thửa đất 23.383m2 tại thị trấn Dĩ An, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương không liên quan đến vụ án hình sự đang giải quyết, nhưng ông Nguyễn Văn Nên vẫn tự ý giải quyết việc tranh chấp quyền sử dụng đất (thửa đất 23.383m2 tại thị trấn Dĩ An, tỉnh Bình Dương) giữa Công ty cổ phần Hưng Thịnh do ông Bùi Mạnh Lân làm Giám đốc và vợ chồng bà Huỳnh Thị Thu, Nguyễn Văn Cư. Thu giữ sổ đỏ thửa đất trên từ ông Bùi Mạnh Lân để trả lại cho bà Huỳnh Thị Thu, dẫn đến kéo dài việc giải quyết dân sự.

Thu giữ trái quy định số tiền 5,25 tỉ đồng do ông Nguyễn Văn Cư nộp trả ông Bùi Mạnh Lân từ cuối năm 2003. Số tiền này không phải là vật chứng của vụ án nhưng không trả ông Lân, để lưu giữ tại Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an tỉnh Tiền Giang. Tháng 9/2009 mới ra quyết định xử lý vật chứng, trả lại cho ông Nguyễn Văn Cư, gây thiệt hại cho công dân.

Hành vi của các ông Ngô Thanh Phong, Nguyễn Văn Nên, Phạm Văn Út đã có dấu hiệu phạm tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” quy định tại Điều 281 Bộ Luật Hình sự.

Tháng 12/2010, Bộ Công an có quyết định kỷ luật 3 sĩ quan nêu trên, đồng thời đề nghị Tỉnh ủy Tiền Giang xử lý về Đảng đối với Ngô Thanh Phong, Nguyễn Văn Nên và Phạm Văn Út. Mặc dù đã có quyết định xử lý hành chính đối với một số cán bộ có sai phạm song vẫn có dư luận cho rằng, nếu chỉ xử lý hành chính là bỏ lọt tội phạm, không đảm bảo tác dụng giáo dục phòng ngừa.

Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao nhận thấy:

Hành vi sử dụng tiền thu giữ từ 502X gửi tiết kiệm tại các ngân hàng thương mại thu lãi 1.363.539.312đồng để nhập quỹ riêng, sử dụng vào lợi ích cục bộ, chia nhau… của các ông Ngô Thanh Phong, Nguyễn Văn Nên, Phạm Văn Út có dấu hiệu phạm tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” quy định tại Điều 281 Bộ Luật Hình sự. Hành vi vi phạm có tính chất nghiêm trọng được thực hiện trong một thời gian dài, thực hiện nhiều lần, số tiền sử dụng trái phép lớn, gây dư luận xấu trong xã hội và trong Công an tỉnh Tiền Giang.

Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với các ông: Ngô Thanh Phong, Nguyễn Văn Nên, Phạm Văn Út về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Đây là một vụ việc cực kỳ phức tạp vì thời gian xảy ra đã lâu và đối tượng nguyên là các sĩ quan công an nên có nhiều thủ đoạn đối phó với Cơ quan Điều tra. Điều đáng nói là các bị can đều đã khai nhận là họ chỉ thực hiện mệnh lệnh do cấp trên giao cho và có người đứng ra chịu trách nhiệm.

Họ đã mắc sai phạm như thế nào? Ai là người “góp phần” đẩy họ đến vòng lao lý hôm nay, đấy mới là điều đáng nói.

Trước đó, phóng viên Báo Năng lượng Mới cũng đã có một cuộc điều tra độc lập về hành vi phạm tội của các đối tượng này và một số người liên quan.

Để bạn đọc hiểu kỹ và những bài học trong công tác chấp hành luật pháp qua vụ án này, chúng tôi sẽ bắt đầu từ câu chuyện của một người đã 2 lần tự tử nhưng không… được chết khi bị giam tại trại giam CA Tiền Giang.

Theo Báo Petrotime

Tìm kiếm



Sự thành công của các Nhà đầu tư chính là sự thành công của chúng tôi, vì vậy chúng tôi không ngừng cập nhật, cải tiến mọi dịch vụ nhằm đáp ứng được tất cả các yêu cầu của các Nhà đầu tư.
Doanh nhân Bùi Mạnh Lân

Phim giới thiệu



Mạng xã hội
facebook twitter gplus youtube

Doanh nhân Bùi Mạnh Lân
© 2016 Bảo lưu nội dung.

Online: 3